Đã 13 năm, kể từ “Hồng Nhung - Bài hát ru 99”, Hồng Nhung mới lại có một đêm nhạc dành riêng cho Hà Nội. Diva xuất hiện giữa khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị đúng với phong cách một thiếu nữ Tràng An, áo dài trắng tinh, tóc dài ngang lưng và hát Nhớ mùa thu Hà Nội.
Câu chuyện âm nhạc dài gần 3 tiếng đồng hồ của nữ ca sĩ sinh năm 1970 không được tái hiện theo trình tự thời gian, dòng nhạc mà phân ra theo chủ đề cảm xúc. Những sáng tác đã được khẳng định giá trị qua thời gian của Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Dương Thụ, Duy Thái, Thanh Tùng… được xếp cạnh những bài hát mới của Lưu Hà An, Nguyễn Duy Hùng, Thanh Bùi, Dương Khắc Linh…
Đầu tiên là bức tranh Hà Nội với mùa thu (Nhớ mùa thu Hà Nội, Có phải em là mùa thu Hà Nội), mùa đông (Phố mùa đông), những con phố cổ (Phố cổ) hay cụ thể hơn là ký ức tuổi thơ gắn với ngôi nhà số 11 Điện Biên Phủ nơi Hồng Nhung sống hồi thơ bé (Nghịch nắng). Khán giả ngỡ như được gặp lại một Hồng Nhung của những năm 90 trong trẻo, trẻ trung và ngọt ngào. Tiếp đến là tình cảm gia đình với cách nhìn của người đàn bà đã làm mẹ. Từ sự gắn bó với cha qua bài hát cha từng đàn hát khi Hồng Nhung còn nhỏ (Hương xưa) đến những bài hát tri ân đấng sinh thành (Papa, Lời mẹ ru).
Rồi một Hồng Nhung đằm thắm, sâu lắng bỗng chốc lột xác, trở nên tân thời, nhí nhảnh với Giọt sương trên mí mắt, Cho em một ngày, Họa mi hót trong mưa, Này em có nhớ, Bống không là Bống. Những bài hát gắn liền với tên tuổi Hồng Nhung và không hẳn là những bài vui, bỗng được làm mới đầy bất ngờ. Cách Hồng Nhung hát nhạc Trịnh vốn đã đầy tính dương (trong khi âm nhạc Trịnh Công Sơn mang nặng tính âm) lại kết hợp với sự trẻ trung, tươi mới khiến gánh u buồn trong Này em có nhớ như được nhấc hẳn ra khỏi bài hát. Phần kết là kỷ niệm, là sự tự hào của người Hà Nội khi “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” (Nhớ về Hà Nội) và luôn cảm thấy mình như một con bống nhỏ ở Hồ Tây (Thủa Bống làm người).
Với cách phân chia ấy, Hồng Nhung mặc sức khoe sự biến hoá đa dạng trong giọng hát của mình. Từ hát thật đến giả thanh, từ solo đến song ca, kết hợp với bè, từ trầm, trung, lên cao vút, từ ngọt ngào, dịu dàng, nhỏ nhẹ tới hào khí oai hùng, từ đơn giản tới đa chiều với sự cập nhập cái mới một cách nhanh nhẹn dù đã ở tuổi tứ tuần.
Ứng với mỗi chủ đề, mỗi phong cách âm nhạc là một phong cách thời trang. Xem “thời trang là văn hoá”, Hồng Nhung thể hiện sự tinh tế của mình qua bốn bộ trang phục với bốn sắc màu, bốn kiểu dáng khác biệt. Từ chiếc áo dài trắng giản đơn với tóc xoã vai mềm sang váy đen cúp ngực, tóc búi cao sang trọng. Từ váy hồng một quai hoa lớn gài ngực đầy trẻ trung đến váy vàng quét đất hở lưng gợi cảm. Dưới ánh đèn sân khấu, Hồng Nhung càng khiến người ta phải tin vào cụm từ “người đàn bà không tuổi” mà chị vẫn được gọi. Hồng Nhung “chịu chơi” nhưng biết mặc đúng nơi, đúng chỗ, biết người Hà Nội thích đẹp sang trọng chứ không thích táo bạo kiểu “đội lông gà” lên sân khấu.
Không giống những đêm nhạc khác, trong “Có phải em mùa thu Hà Nội” Hồng Nhung tự làm người dẫn chuyện cho mình. Không ai có thể hiểu kỷ niệm Hồng Nhung, con người Hồng Nhung hơn chính chị. Mỗi bài hát đều được gắn với một cái tích. Có khi cái tích ấy đã kể hàng chục lần (như việc năm 1987 được cha đưa tới Cung Hữu nghị thi bài hát Papa nổi tiếng của Paul Anka, giờ mới có một bài Papa riêng để dành tặng cha hay việc yêu và thích ca khúc Hương xưa vì ngày nhỏ hay nghe cha đàn và hát bài này cùng bạn bè…), Hồng Nhung vẫn làm người nghe hào hứng và cảm động. Chị khéo dẫn dắt để chạm vào tim khán giả: “Cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội như một bức tranh kinh điển. Trong bài có câu ‘Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi, sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi’. Bây giờ không chỉ từng con đường mà từng con người Hà Nội trả lời cho anh bằng tình yêu với bài hát mà anh viết cho xứ sở này”. Hồng Nhung cũng khéo nịnh người hát chung như Mỹ Linh khi khen cô “xinh” , là “người hát ru giỏi hơn” vì đã làm mẹ trước mình hay khen Anh Quân là “nhạc sĩ tuyệt vời, người chồng, người cha tuyệt vời"; khen cả hai khán giả lên hát cùng mình; khen nhạc sĩ Dương Thụ - người có mặt ở đêm nhạc; khen từ âm thanh, ánh sáng đến khen người Hà Nội.
Trên sân khấu Hồng Nhung lúc cười trong trẻo, lúc sảng khoái gật gù, lúc nắm tay thân thiết bạn hát, lúc nhẹ nhàng ôm thầy giáo, lúc rơi nước mắt. Hầu như lần nào Hồng Nhung hát ở Hà Nội cũng thấy chị khóc. Những trạng thái của Hồng Nhung là thật hay là khéo cũng khiến khán giả bị cuốn vào vòng cảm xúc của chị.
Góp phần vào thành công của liveshow Hồng Nhung là Mỹ Linh. Lần đầu hai Diva song ca cùng sân khấu không chỉ mang đến sự tò mò cho khán giả, sự mới mẻ cho chính Hồng Nhung sau nhiều lần kết hợp với Quang Dũng mà còn tạo ra sự ăn ý tuyệt vời. Mỹ Linh giữ đúng vị trí “khách”, không lấn át “chủ”, đúng như Hồng Nhung khen “rất nhạy cảm trong việc lựa giọng để sự hoà hợp càng ăn ý, tinh tế mà không cần phô diễn”. Giọng Mỹ Linh rất nhẹ, rất cao trong khi giọng Hồng Nhung to vang và trầm khi cùng hát Lời mẹ ru, Trở về. Không chỉ tôn Hồng Nhung bằng giọng hát, Mỹ Linh còn tôn Hồng Nhung bằng những lời khen có cánh khi cho rằng đàn chị là người có “giọng hát tỷ lệ nghịch với thân hình nhỏ bé, đầu óc thông minh, nhìn thấy những điều người khác chưa nhìn thấy”, “không ai hơn Hồng Nhung vì có một hạnh phúc trọn vẹn”.
Liveshow Hồng Nhung thuyết phục khán giả từ giọng hát, âm thanh, ánh sáng. Có thể sẽ hợp lý hơn nếu chương trình kết thúc ở Nhớ về Hà Nội với kiểu kết cấu đầu cuối tương xứng và sự dạt dào cảm xúc của người nghệ sĩ lẫn khán giả, thay vì để Hồng Nhung tiếp tục thể hiện Thuở Bống làm người khi trước đó đã có Bống không là Bống.
(Huy Phạm - vnexpress.net)
Ảnh: Hải Bá