Tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất" cho chùa Một Cột.
Chùa Một Cột là ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất lịch sử Việt Nam cũng như giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Ngày 28/4/1962, chùa Một Cột được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Ngày 4/5/2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á.
Chùa Một Cột có tên chữ là Diên Hựu, có nghĩa phúc lành dài lâu. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1049) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quan nghe, có người cho là điềm không lành. Sư Thiên Tuế khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng. Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ tòa Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm Phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu.
Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072-1128), năm 1080, nhà vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là "Giác thế chung" (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là Quy Điền. Khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá hủy quả chuông này để đúc vũ khí (1426).
Năm 1954, trước khi rút quân, Pháp cho người đặt thuốc nổ phá chùa Một Cột. Sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954), Bộ Văn hóa lúc ấy đã có một đợt trùng tu lớn, phục dựng lại chùa như hiện nay.
Chùa hiện nay xây dựng vào năm 1955, đài Liên Hoa có kết cấu hình vuông, lợp ngói ta, mỗi chiều dài 3 m, bốn mái cong, bốn đầu đao được đắp hình đầu rồng. Trong đài tôn trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhìn toàn bộ đài Liên Hoa như một đóa sen lớn vươn khỏi mặt nước. Toàn bộ đài đặt trên trụ đá có đường kính 1,2 m, cao 4 m (chưa kể phần chìm dưới đất). Trụ đá gồm 2 khối gắn rất khéo thoạt nhìn như một khối đá liền.
Tầng trên đỡ một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, khác nào một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ nhỏ hình vuông, có xây lan can bằng gạch xung quanh. Một chiếc thang xây dẫn lên chùa. Trên cửa có đề Liên Hoa Đài gợi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây dựng chùa. Nét độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá.